BNEWS Ngày 10/12, Chi hội Nhà báo Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh tổ chức Tọa đàm “Sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, một số vấn đề cần quan tâm”.

Hy Lạp áp dụng chế độ làm việc 6 ngày/tuần

Trong khi nhiều quốc gia đang cân nhắc rút ngắn thời gian làm việc mỗi tuần, các nhà chức trách Hy Lạp lại quyết định áp dụng chế độ tuần làm việc 6 ngày.

Tờ báo Anh The Guardian đưa tin, sau khi vượt xa các quốc gia châu Âu khác về tăng trưởng kinh tế, Hy Lạp một lần nữa đi ngược lại xu hướng chung tuần làm việc 48 giờ. Theo đó, từ 1/7, người lao động ở nước này có thể chọn làm việc 5 ngày một tuần với mỗi ngày làm thêm 2 giờ, hoặc làm 6 ngày một tuần. Lương làm thêm giờ được tính cao hơn 40% lương thông thường.

Chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis lý giải, sáng kiến này là cần thiết do Hy Lạp từng là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất châu lục, đang đối mặt với hai thách thức song song là dân số giảm và thiếu hụt lao động lành nghề. Trước khi công bố luật mới (vốn là một phần của bộ luật lao động đã được thông qua vào năm ngoái), ông Mitsotakis mô tả sự thay đổi nhân khẩu học dự kiến là "quả bom hẹn giờ" với Hy Lạp. Trong một cuộc di cư chưa từng có, ước tính khoảng 500.000 người Hy Lạp trẻ tuổi có trình độ đã rời đất nước kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần một thập niên nổ ra vào cuối năm 2009.

"Trọng tâm của luật mới là thân thiện với người lao động, hướng đến tăng trưởng mạnh mẽ và đưa Hy Lạp sánh ngang với phần còn lại của châu Âu", Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu trước khi quốc hội Hy Lạp thông qua luật.

Tuy nhiên, dư luận đã nổ ra nhiều phản ứng dữ dội. Ở một quốc gia hầu như không có truyền thống thanh tra tại nơi làm việc, những người chỉ trích cho rằng cải cách này cuối cùng sẽ gióng lên hồi chuông "báo tử" cho chế độ làm việc 5 ngày/tuần, một phần vì nó cho phép người sử dụng lao động quyết định liệu có cần ngày làm việc thứ 6 trong tuần hay không. Một số ý kiến chỉ trích luật mới làm xói mòn các biện pháp bảo vệ pháp lý và lấy đi các quyền lợi đã được thiết lập từ lâu của người lao động.

Akis Sotiropoulos, thành viên Ủy ban điều hành công đoàn viên chức Adedy, nêu bật thực tế rằng trong khi hầu hết mọi quốc gia văn minh khác đang áp dụng tuần làm việc 4 ngày, Hy Lạp lại quyết định đi theo hướng khác. Ông lập luận: "Trên thực tế, luật mới được thông qua bởi chính phủ cam kết luật mới sẽ tạo ra lợi nhuận ngày càng lớn hơn cho dòng vốn. Năng suất tốt hơn đi kèm với điều kiện làm việc tốt hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người lao động. Nhưng, chúng ta đều biết chỉ có được điều đó khi người lao động làm ít giờ hơn chứ không phải nhiều hơn".

Các chương trình tuần làm việc 4 ngày/tuần đã được thử nghiệm cho thấy năng suất tăng lên. Các nhà nghiên cứu cho hay, kết quả này là do mức độ tập trung được cải thiện.

Năm 2022, Bỉ đã ban hành luật trao cho nhân viên quyền quyết định làm việc 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày như thường lệ mà không bị mất lương. Các chương trình thí điểm tương tự cũng được thực hiện ở các quốc gia bao gồm Anh, Đức, Nhật Bản, Nam Phi và Canada. Trong số 61 công ty của Anh tham gia thử nghiệm kéo dài 6 tháng vào năm 2022, 54 công ty vẫn tiếp tục chế độ làm việc 4 ngày/tuần.

Theo cơ quan thống kê của EU (Eurostat), người Hy Lạp đang làm việc nhiều thời gian nhất ở châu Âu, trung bình 41 giờ/tuần. Các cuộc khảo sát cũng chứng minh rằng họ được trả lương ít hơn nhiều. Phe đối lập cánh tả thường xuyên chỉ trích điều này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng "chảy máu chất xám".

Nhật Bản: Nhân viên cao tuổi là nguồn lực quý giá của quốc gia

Sách trắng Kinh tế và tài chính năm 2024 của Nhật Bản nhận định, người cao tuổi Nhật Bản có sức khỏe tốt và sẵn sàng làm việc lâu dài.

Dù xã hội Nhật Bản đã và đang đối mặt với già hóa dân số nhưng theo Sách trắng Kinh tế và tài chính năm 2024 của Nhật Bản, người cao tuổi quốc gia này “vẫn năng động tại nơi làm việc và trở thành động lực mới thúc đẩy nền kinh tế”. Có thể nói, theo tiêu chuẩn quốc tế, người cao tuổi Nhật Bản không chỉ tương đối khỏe mạnh mà còn có mong muốn làm việc lâu dài. Do đó, các nhà chức trách ước tính, số lượng NLĐ cao tuổi Nhật Bản tiếp tục tăng và sẽ gấp 1,4 lần con số hiện tại vào năm 2040, đạt mốc 20,31 triệu người.

Nhật Bản ban hành Luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi từ năm 1986, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có thể tiếp tục làm việc lâu dài. Năm 2021, chính phủ Nhật Bản quy định DN bắt buộc phải thuê nhân viên cho đến khi họ đủ 65 tuổi. Đến năm 2020, yêu cầu về độ tuổi này tiếp tục tăng lên 70 tuổi.

Theo báo cáo của Mainichi Shimbun, việc nhận nhân viên đã nghỉ hưu trở lại làm việc trở nên phổ biến các Tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản; thậm chí có nơi tăng tuổi tái tuyển dụng. Chẳng hạn, Toyota đang mở rộng lực lượng lao động bằng cách tái tuyển dụng nhân viên lớn tuổi. Độ tuổi tái tuyển dụng trước đây của Toyota là 65 tuổi nhưng sẽ tăng lên 70 tuổi bắt đầu từ tháng này. Việc tận dụng nguồn nhân lực lao động cao tuổi không chỉ lấp đầy khoảng trống thị trường lao động mà còn có lợi ích về mặt đào tạo, bởi NLĐ cao tuổi có kiến thức và kỹ năng chuyên môn dày dặn, có thể tham gia đào tạo người trẻ trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, Sách trắng Kinh tế và tài chính năm 2024 đề cập đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Từ năm 2014 đến 2019, chỉ số tiêu dùng của hộ gia đình Nhật Bản dưới 59 tuổi giảm, trong khi chỉ số tiêu dùng của hộ trên 60 tuổi không thay đổi do thu nhập của người cao tuổi tăng lên. Tuy nhiên, NLĐ cao tuổi cũng phải đối mặt với một số bất lợi khiến họ chưa thể đạt được thu nhập cao như: Hệ thống lương hưu bị ràng buộc với rào cản thu nhập hàng năm (lương hưu mà người cao tuổi nhận nếu vượt quá một mức nhất định sẽ bị giảm); thu nhập tăng, thì thuế và phí BHXH tăng…

Thông thường, việc tái tuyển dụng NLĐ sau khi nghỉ hưu thường dẫn đến tiền lương giảm mạnh. Song ở Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, thì khoảng cách tiền lương đang ngày càng được thu hẹp. Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành vào năm 2024 cho thấy, DN có mức lương tái tuyển dụng về cơ bản giống như trước khi nghỉ hưu chiếm 15% tổng số DN thực hiện tái tuyển dụng, tăng 5,5 điểm phần trăm so với giai đoạn 5 năm trước.

Bình Dương: Sẽ thanh tra toàn diện tại Công ty Hoàng Sinh

Ông Phạm Văn Tuyên- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, vụ tranh chấp lao động tại Công ty CP XNK Hoàng Sinh (Công ty Hoàng Sinh) hết sức phức tạp và nhạy cảm. Do đó, sắp tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra toàn diện việc thực hiện Bộ luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn tại DN này.

Như Tạp chí BHXH đã nhiều lần thông tin, Công ty Hoàng Sinh (chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, đóng tại KCN Phú Tân, khu 4, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thường xuyên để xảy ra tình trạng nợ lương, chậm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Vụ việc kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều NLĐ; cũng như tác động xấu đến tình hình thu hút lao động ngoại tỉnh về Bình Dương và thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Hoàng Sinh có vốn đầu tư trong nước, với khoảng 1.000 lao động, người đại diện theo pháp luật là bà Lê Thị Thu Ba- chức vụ Tổng Giám đốc. Trong 9 tháng năm 2024, tại Công ty Hoàng Sinh đã xảy ra 3 vụ ngừng việc liên quan đến tình trạng nợ lương, chậm đóng BHXH, BHYT (tháng 4, tháng 7 và tháng 9).

Vụ ngừng việc vào cuối tháng 7/2024, khi Công ty đang còn nợ lương và chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền 29,3 tỷ đồng. Sau đó, nhờ tiền hoàn thuế trên 22 tỷ đồng, Công ty đã thanh toán lương các tháng 4-5-6/2024 cho NLĐ, nên NLĐ đồng ý quay trở lại làm việc. Lần ngừng việc thứ 3 (cuối tháng 9), Công ty Hoàng Sinh nợ 2 tháng lương (tháng 7-8/2024) và chậm đóng gần 30 tỷ đồng BHXH, BHYT của NLĐ. Tuy nhiên, Công ty chỉ mới chi trả cho mỗi NLĐ số tiền 2 triệu đồng (tiền đền bù do chậm trả lương).

Đến đầu tháng 10/2024, Ban Giám đốc Công ty Hoàng Sinh có thông báo gửi lời xin lỗi đến toàn thể NLĐ về sự chậm trễ trong việc chi trả lương. Theo lãnh đạo Công ty, kế hoạch trả lương tháng 7/2024 được thanh toán vào ngày 27/9, tuy nhiên do nguồn tiền từ khách hàng chưa về đúng hạn, nên Công ty chưa thể thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, Công ty hứa sẽ chi trả lương tháng 7/2024 chậm nhất đến ngày 15/10, lương tháng 8/2024 chậm nhất đến ngày 25/10.

Ngoài ra, các chi phí KCB cho NLĐ trong tháng 7-8/2024 sẽ được giải quyết trong tháng 10/2024. Công ty cũng cam kết thanh toán tiền chậm đóng BHXH, BHYT trước ngày 31/12/2024; đồng thời giải quyết khoản hỗ trợ 2 triệu đồng cho NLĐ đã nghỉ việc trong tháng 8/2024 trước ngày 30/10/2024.

Tuy nhiên, đến nay, trao đổi với PV Tạp chí BHXH, nhiều NLĐ cho biết, phía Công ty tiếp tục thất hứa. Theo đó, Công ty Hoàng Sinh chưa trả lương tháng 7-8/2024, thậm chí còn nợ cả lương tháng 9/2024. Tình trạng này khiến đời sống của nhiều NLĐ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhận định vụ việc đang rất phức tạp, ông Phạm Văn Tuyên- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang giải quyết vụ việc này trên tinh thần đảm bảo cuộc sống cho NLĐ và không làm ảnh hưởng tình hình thu hút lao động trên địa bàn tỉnh.

"Hiện, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đang tiến hành đánh giá khả năng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn; qua đó chấn chỉnh các hành vi không đúng quy định. Bên cạnh đó, cũng đề nghị DN trong trường hợp tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh phải có hướng xử lý đối với vấn đề chi trả tiền lương, BHXH, BHYT để đảm bảo đời sống NLĐ"- ông Tuyên thông tin thêm.