An Hoà, Thị xã Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh
Lễ thành lập Giáo xứ Mỹ Hòa và nhậm chức chánh xứ
(WGPSG) “Xin hãy tạ ơn Chúa, đặc biệt với ơn thành lập giáo xứ. Xin Chúa chúc lành cho từng người, để cộng đoàn giáo xứ Mỹ Hòa cùng cộng tác với nhau và cộng tác với chính quyền địa phương để xây dựng một cuộc sống mới cho giáo xứ và những người xung quanh để mỗi ngày một phát triển và đạt mọi sự tốt đẹp”.
Trên đây là lời ngỏ của Đức Giám mục phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng trong Thánh lễ thành lập giáo xứ Mỹ Hòa và nhậm chức tân chánh xứ của linh mục Giuse Ngô Viết Thanh, được cử hành vào lúc 9g30 thứ Bảy ngày 09/09/2017, tại nhà thờ Mỹ Hòa: số 14/4A, ấp Trung Chánh 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn.
Chủ tế Thánh lễ là Đức Giám mục ( ĐGM) phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng. Đồng tế với ngài có linh mục Phêrô Kiều Công Tùng – Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục; linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng – Hạt trưởng hạt Hóc Môn; linh mục Phanxicô Nguyễn Xuân Quang - Hạt trưởng hạt Bình An; linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Minh – chánh xứ Trung Chánh, cùng quý cha trong giáo phận. Tham dự Thánh lễ có đông đảo giáo dân trong giáo xứ Mỹ Hòa và Trung Chánh, gia đình của cha tân chánh xứ và quý khách mời. Cùng có sự hiện diện của Ban Tôn giáo TP.HCM, chính quyền huyện Hóc Môn và lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Trung Chánh.
Khởi đầu Thánh lễ là phần công bố quyết định thành lập giáo xứ Mỹ Hòa, do linh mục Phêrô Kiều Công Tùng – Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục đọc quyết định thành lập giáo xứ mới, là giáo xứ thứ 203 thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc ban hành và ấn ký ngày 11/06/2016.
Tiếp theo, linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng – Hạt trưởng hạt Hóc Môn đọc văn thư bổ nhiệm của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, bổ nhiệm linh mục Giuse Ngô Viết Thanh làm chánh xứ tiên khởi giáo xứ Mỹ Hòa.
Sau đó, cha tân chánh xứ đọc bản tuyên xưng đức tin và bản tuyên thệ trung thành. Sau nghi thức tuyên thệ, ĐGM chủ tế dẫn cha sở mới đến ngồi vào ghế chủ tọa, tòa giải tội, và mở cửa Nhà Tạm là những nơi ngài thi hành chức năng và nhiệm vụ linh mục chánh xứ. Nghi thức nhậm nhiệm sở kết thúc, cộng đoàn hiện diện tiếp tục tham dự Thánh lễ với phần Phụng vụ Lời Chúa.
Trong bài giảng Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse, bổn mạng của giáo xứ, Đức cha Giuse đã chia sẻ cùng cộng đoàn về một bức tượng của Thánh Giuse đang ngủ, được Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu. Thánh Giuse là người cha mẫu mực cho các gia đình Kitô hữu, ngài đã vượt qua những khó khăn vì ngài đã biết nghỉ ngơi trong Chúa.
Kế tiếp, ĐGM mời gọi cộng đoàn giáo xứ: Chúng ta dâng lên Chúa giáo xứ mới thành lập, xin Thánh Giuse bầu cử giúp cộng đoàn giáo xứ nghe được nhũng lời hướng dẫn của Chúa, thông qua lời cầu nguyện, qua trao đổi, qua giáo hội và giáo phận, để giúp cộng đoàn Mỹ Hòa luôn giữ được sự hiệp nhất và vui tươi để cùng cộng tác với cha xứ và với mọi người toàn thể thành một mối dây chung trong vùng Trung Chánh này, để xây dựng cộng đoàn giáo xứ Mỹ Hòa trở thành cộng đoàn yêu thương và mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.
Sau bài giảng, cha tân chánh xứ lập lại lời hứa khi chịu chức linh mục trước mặt ĐGM.
Sau lời nguyện hiệp lễ, một vị đại diện giáo xứ lên có lời cảm ơn đến ĐGM chủ tế, quý cha đồng tế, quý khách mời, và hứa luôn đồng hành và cộng tác với cha sở mới.
Tiếp đến, linh mục chánh xứ tiên khởi Giuse Ngô Viết Thanh có lời tri ân đến Đức Tổng Giám mục Phaolô; ĐGM chủ tế, cảm ơn đến quý cha đồng tế, quý khách mời, và với các cấp chính quyền đang hiện diện. Cách riêng, ngài gởi lời tri ân và cảm ơn quý cha tiền nhiệm và đương nhiện giáo xứ Trung Chánh là giáo xứ Mẹ luôn quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện cho người con là giáo xứ Mỹ Hòa được “Ra Riêng”.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, ĐGM Giuse đã đại diện Đức Tổng Phaolô gởi lời chúc mừng đến linh mục chánh xứ Mỹ Hòa cùng với toàn thể cộng đoàn giáo xứ trong ngày thành lập và nhậm chức của cha xứ, cảm ơn đến các cha và giáo dân xứ Trung Chánh đã xây dựng và vun đắp cho người con được ra riêng là giáo xứ Mỹ Hòa, và đặc biệt cảm ơn đến các vị của Ban Tôn giáo thành phố, các vị chính quyền huyện Hóc Môn và xã Trung Chánh, ước mong có sự cộng tác giữa chính quyền và giáo xứ trở thành không gian loan báo tình thương và niềm vui của Thiên Chúa đến với mọi người.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g15. Một trang sử mới đã mở ra với giáo xứ Mỹ Hòa, trong niềm cảm mến và tri ân, bà con tín hữu và cha tân chánh xứ hân hoan cùng chung tay cho sự phát triển hướng đến tương lai.
Quá trình hình thành và phát triển giáo xứ Mỹ Hòa
- Năm 1964, cha Tôma Trần Quốc Phú đã lập một trường sơ cấp miễn phí dành cho con em trong vùng.
- Năm 1974, cha Giuse Phạm Châu Diên đã mua đất và xây dựng nhà nguyện kính Thánh Cả Giuse. Được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ sự lễ khánh thành ngày 17/03/1974.
- Năm 2005, cha Antôn Phạm Gia Thuấn đã xây dựng nhà thờ mới.
- Ngày 11/06/2016, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã quyết định nâng tách giáo họ Giuse Mỹ Hòa lên thành giáo xứ mới.
- Ngày 09/08/2017, bổ nhiệm cha Giuse Ngô Viết Thành làm chánh xứ tiên khởi.
- Ngày 09/09/2017, lễ công bố thành lập giáo xứ và nhậm chức của cha chánh xứ.
RÈN LUYỆN CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN
“Theo đường lối của cha ông ta, “Tu thân” rồi mới tề gia trị quốc và bình thiên hạ được”. Chương này bàn về cách rèn luyện các đức tính nhân bản nghiêng về đời sống xã hội “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
A. RÈN LUYỆN CHỮ NHÂN
Nhân là tình người, là lòng yêu thương hết mọi người.
Chữ thường dùng: Nhân tâm = lòng con người.
Nhân ái: yêu thương người khác như chính mình.
Nhân hậu: yêu thương và ăn ở đầy đặn với tha nhân.
Nhân nghĩa: lòng yêu thương và cách ăn ở theo lẽ phải.
2. Chữ NHÂN quan trọng thế nào ?
Nhân là đức tính cao cả nhất của đạo làm người, là linh hồn của mọi hoạt động xứng với phẩm giá con người. Nhân còn là nền tảng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tha nhân. Đức Khổng Tử nói: “Người không có nhân thì Lễ mà làm gì, Nhạc mà làm gì?”.
Trái với nhân là bất nhân, độc ác, tàn nhẫn, ghen tương, thù oán, bóc lột người khác…
4. Rèn luyện chữ NHÂN cách nào ?
Vì nhân là linh hồn của mọi hoạt động cá nhân và tập thể, nên cách rèn luyện chữ nhân rất đa dạng. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ hai nguyên tắc chỉ đạo sau đây để rèn luyện chữ nhân.
Cụ thể, có thể tập làm mấy việc sau đây:
– Trong mọi việc, hãy thanh tẩy “tà ý”.
– Cảm thông và chia sẻ đau khổ của tha nhân.
– Giúp người khác sống tốt hơn, hạnh phúc hơn bằng những việc nhỏ mọn trong tầm tay.
– Dành một chút thời gian và tiền của để sẵn sàng làm việc thiện khi cơ hội đột xuất xảy đến.
5. Người Công Giáo thực hiện chữ NHÂN thế nào theo tinh thần Kitô giáo?
– Người Công giáo thực hiện chữ nhân theo nội dung kinh “Thương người có 14 mối” của đạo.
– Hằng ngày căn cứ vào đoạn văn của Thánh Phaolô để kiểm tra và điều chỉnh lòng nhân của mình “Bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi … Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”
B. RÈN LUYỆN CHỮ NGHĨA
NGHĨA là việc phải, việc đúng, là đường lối cư xử theo lẽ phải.
Nghĩa cử: việc làm theo lẽ phải.
Nghĩa hiệp: người thực hiện điều phải, thường ra tay giúp đỡ người khốn khó.
Nhân nghĩa: có lòng yêu người và biết sống theo lẽ phải.
7. Đức nghĩa quan trọng thế nào?
– Đối với bản thân: đức nghĩa chứng tỏ người ấy làm việc có lý, có tình. Đức nghĩa tạo cho ta sự thanh thản trong tâm hồn, giúp khỏi bị lương tâm cắn rứt do đã làm những điều phi nghĩa.
– Đối với tha nhân: đức nghĩa tạo được sự tín nhiệm và lòng cảm phục nơi người khác.
Trái với nghĩa là bất nghĩa, vô ơn, bạc nghĩa, bạc tình…
9. Rèn luyện đức NGHĨA cách nào ?
Đức nghĩa ví như người chỉ đường, giúp ta sống theo lẽ phải, nên trong cuộc sống đa dạng hàng ngày có nhiều phương cách rèn luyện đức nghĩa. Chẳng hạn:
– Cố gắng giảm bớt “thành kiến” để có thái độ khách quan về mọi người, mọi việc.
– Đón nghe ý kiến và lời khuyên của bậc khôn ngoan để hành xử theo lẽ phải.
– Thắng vượt tính “cả nể” để sống chân thực, không làm chứng dối.
10. Người Công giáo thực hành đức NGHĨA thế nào theo tinh thần Kitô giáo?
– Người Công giáo hãy tâm niệm lời Chúa phán: “sự thật sẽ giải thoát anh em”. “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi ”. (Ga 18,37)
– Thực hiện mọi việc theo giáo lý của Chúa Kitô, Đấng là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.
C. RÈN LUYỆN CHỮ LỄ
Lễ là cách cư xử tốt đẹp, cách bày tỏ lòng kính trọng tha nhân, là cách sống lịch sự.
Lễ giáo: chỉ chung sự dạy dỗ theo khuôn phép để cư xử tốt đẹp.
Lễ nghi: cách thức bày tỏ sắp đặt bên ngoài để nói lên lòng kính trọng.
Lễ độ: sống theo khuôn phép lễ giáo.
Chữ lễ rất quan trọng vì có khả năng nâng cao giá trị của con người, chinh phục thiện cảm và lòng ngưỡng mộ nơi người khác. Người có lễ giáo được đánh giá là có giáo dục, do đó dễ thành công trong mọi giao tiếp.
Trái với lễ là vô lễ, khiếm nhã, vô giáo dục, bất lịch sự…
Lễ được biểu lộ qua cử chỉ, ngôn từ, cách đi đứng, giao tiếp với tha nhân. Hơn nữa, mỗi dân tộc, mỗi khu vực có cách thực hiện chữ lễ khác nhau. Do đó việc rèn luyện chữ lễ khá đa dạng và tỉ mỉ. Dưới đây là đôi điều gợi ý:
– Đọc sách báo có liên quan tới phong tục, tập quán và lối sống của những nhóm người ta có cơ hội tiếp xúc.
– Quan sát cách giao tiếp của những người có giáo dục để học hỏi, bắt chước.
– Trên tất cả, hãy không ngừng phát triển lòng tôn trọng tha nhân, vì đây là yếu tố then chốt cho mọi tương giao tốt đẹp.
15. Người Công Giáo thực hiện chữ Lễ cách nào theo tinh thần Kitô giáo?
Hãy tôn trọng và đối đãi lịch sự với mọi người, vì tất cả đều được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”.
Cách riêng hãy lịch sự, lễ phép với các chức bậc trong Hội Thánh và trong xã hội, vì họ là đại diện Thiên Chúa bên cạnh chúng ta.
D. RÈN LUYỆN CHỮ TRÍ
Trí là khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu. Người có trí là người biết nhìn sâu vào sự việc, nắm bắt vấn đề cách chính xác.
Thông minh = nghe là hiểu ngay, nắm bắt được vấn đề.
17. Chữ Trí quan trọng thế nào?
Trí giúp ta hiểu thấu vấn đề, suy tư có hệ thống, làm việc có phương pháp, do vậy tiết kiệm được thời gian và công sức. Người có trí biết nắm bắt chính xác thời cơ để hoạt động nhờ đó thường đạt kết quả hơn.
Trái với trí là khờ dại, đần độn, nông cạn, thiển trí…
19. Rèn luyện chữ Trí cách nào?
Nguyên tắc chung: hãy bắt trí óc làm việc vì “dao năng mài năng sắc”.
Trong thực hành: tập suy tư có hệ thống.
Ví dụ: đọc tựa đề các chương mục trong cuốn sách rồi cố gắng trả lời các câu hỏi: “Tại sao tác giả sắp xếp các chương mục như thế? Có mối liên hệ nào xuyên suốt mối liên hệ đó?”.
– Thắng lướt tính “ì tâm lý” để phát huy óc sáng tạo.
– Chia vấn đề phức tạp thành nhiều mục nhỏ để giải quyết từng phần.
20. Người Công Giáo thực hiện chữ Trí cách nào theo tinh thần Kitô giáo?
– Người Công Giáo luôn tâm niệm: “lòng kính sợ Thiên Chúa là cội rễ sự khôn ngoan”.
Trong thực hành: cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng khi đọc sách, học tập, viết lách, hoặc khi phải giải quyết vấn đề hệ trọng, phức tạp.
E. RÈN LUYỆN CHỮ TÍN
Tín là tin cậy, đáng tin, giữ lời, chung thuỷ.
Tín nhiệm: tin mà giao phó công việc cho.
Uy tín: được người khác nể nang, tin cẩn.
Tín nghĩa: thành thật đáng tin và ăn ở theo lẽ phải.
22. Chữ Tín quan trọng thế nào?
Tín là nền tảng cho mọi tương giao bền vững. Thiếu chữ tín các quan hệ bạn bè và xã hội bị xáo trộn. Ai sống mà thiếu chữ tín sẽ không trở thành bạn bè, không làm ăn với ai được.
Trái với tín là bất tín, phản bội, nuốt lời.
24. Rèn luyện chữ Tín cách nào?
Chữ tín chỉ có được nhờ sự can đảm của tâm hồn để không thay lòng đổi dạ trước lợi, danh. Vì thế:
Tập kiên trì trong việc bổn phận hằng ngày dù gặp khó khăn, cản trở.
Tập suy nghĩ thấu đáo trước khi hứa hẹn, thề ước, lập giao kèo.
Biết tự trọng để tránh cám dỗ khiến ta nuốt lời.
25. Người Công giáo thực hiện chữ Tín cách nào theo tinh thần Kitô giáo?
Người Công giáo hãy nghĩ tới Lời Chúa “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được Cứu Độ”, để trung thành trong các cam kết với Chúa và với tha nhân và với chính bản thân mình.