Khu Kinh tế Cửa khẩu (KKT) Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với quy mô 31.936 ha, bao gồm 11 xã, 3 phường, 2 thị trấn thuộc 3 huyện thị là thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng, thuộc toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, thuộc tỉnh Đồng Tháp. KKT Đồng Tháp sẽ phát triển theo hướng khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với cửa khẩu quốc tế, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trước hết là Campuchia. KKT Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) cùng 5 cửa khẩu phụ là Sở Thượng, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú, Thông Bình. Nơi đây đang có 3 đô thị trung tâm của thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng. 2 đô thị ở khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà đang được hình thành.

Đồng Tháp Mười gắn liền với cuộc khởi nghĩa chống Pháp nào?

Dựa vào địa thế đầm lầy, khó tiếp cận của Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương (1827-1866), còn có tên Thiên Hộ Dương, đã lãnh đạo nhân dân lập căn cứ chống Pháp trong giai đoạn 1862-1866.

Căn cứ khởi nghĩa được bảo vệ bởi nhiều lớp đồn với quân lính cãnh giữ, chỉ có thể tiếp cận bằng những con đường độc đạo, xung quanh là những cánh đồng thường xuyên ngập nước sáu tháng và mùa khô cũng đầy bùn. Lo sợ trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, thực dân Pháp đã tổng lực công phá. Dù chiếm được căn cứ, quân Pháp cũng trả giá đắt với hàng trăm lính bỏ mạng.

Đồng Tháp Mười nổi tiếng với vườn quốc gia nào?

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đây là khu vực ngập nước, được xếp vào hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, giúp bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, ví dụ sếu đầu đỏ.

Vùng Đồng Tháp Mười trải rộng trên mấy tỉnh Tây Nam Bộ?

Đồng Tháp Mười là tên gọi của vùng đất rộng khoảng 8.000km2, nằm ở tả ngạn sông Tiền, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Trong đó, diện tích thuộc Long An chiếm hơn 50%.

Đây được coi là vựa lúa của cả nước, giúp Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới. Ngoài ra, Đồng Tháp Mười cũng sở hữu hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, bảo tồn được sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng đồng bằng ngập nước.

Tên gọi Tháp Mười được sử dụng phổ biến từ khi nào?

Sau khi chiếm căn cứ và đàn áp cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương, bản tin của Công báo Nam kỳ thuộc Pháp có đăng: “Ngày 17/4/1866 đã chiếm được Tháp Mười”. Kể từ đó, sau hàng trăm năm không có tên cụ thể, cách gọi Tháp Mười đã được sử dụng rộng rãi.

Hiện có nhiều giả thuyết về tên gọi Đồng Tháp Mười. Một số nghiên cứu cho rằng nơi đây từng có ngọn tháp 10 tầng của người Chân Lạp. Đến năm 1956, chính quyền họ Ngô cũng cho xây thêm ngọn tháp 10 tầng khác, phỏng theo kiến trúc tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ (Huế), sử dụng như đài quan sát toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười.

Sau khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp gọi vùng Đồng Tháp Mười là gì?

Đồng Tháp Mười xưa kia là vùng đất hoang hóa, rất ít người ở và cũng không có tên gọi cụ thể. Khi đặt ách cai trị tại Việt Nam, người Pháp đã tìm hiểu và gọi nơi đây là cánh đồng đầy cỏ (Plaine des Joncs hay Plain of Reeds).

Khi chưa khai hoang, Đồng Tháp Mười nổi tiếng với rắn, đỉa, muỗi và nắng. Nhiều loại lam sơn, chướng khí khiến người di cư mắc bệnh mà chết. Học giả Nguyễn Hiến Lê từng tự thám hiểm vùng này và ghi lại trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười rằng: “Tại Đồng Tháp Mười, cuối mùa nắng còn những chỗ sình lầy tới đầu gối và rộng hàng trăm thước. Đám lau sậy hàng chục cây số, không gặp một nóc nhà, một bóng người và rắn, đỉa thì vô số”.

Phát triển cơ sở hạ tầng 2 cửa khẩu Quốc tế gắn với định hướng phát triển kinh tế biên giới tỉnh

Cập nhật ngày: 07/04/2022 16:34:31

ĐTO - Đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng nhu cầu, kích thích các ngành sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu ngân sách. Đồng thời đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Đầu tư nâng cấp tuyến đường kết nối từ thị trấn Thường Thới Tiền đến khu vực cửa khẩu Quốc tế Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên

Việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua đã phản ánh rõ nét bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của khu vực biên giới nói chung và 8 xã biên giới nói riêng, thể hiện qua việc các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh trật tự 8 xã biên giới có nhiều chuyển biến tích cực, đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra như: tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tỷ lệ gia đình văn hóa, thu nhập bình quân đầu người,... Đặc biệt, nhiều nguồn lực được ưu tiên phát triển cho khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và khai thác hiệu quả các cửa khẩu, thúc đẩy thương mại biên giới làm động lực chính để phát triển kinh tế biên giới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Đồng Tháp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Từ đó, các cấp, các ngành, địa phương đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại KKTCK Đồng Tháp. KKTCK Đồng Tháp có 2 cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) và 5 cửa khẩu phụ (Bình Phú, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Sở Thượng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung, với tổng diện tích đất quy hoạch là 31.936ha thuộc địa giới của huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và TP Hồng Ngự. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế, là khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy sự phát triển vùng phía Bắc tỉnh Đồng Tháp.

Thời gian qua, tổng vốn đầu tư các hạng mục công trình trong 2 CKQT Dinh Bà và Thường Phước khoảng 290 tỷ đồng như: đường ra CKQT Dinh Bà (đường số 1), đường ra bến nước chợ Dinh Bà (đường số 2), chợ Thường Phước, đường ra cửa khẩu quốc tế Thường Phước... Đồng thời, tỉnh cũng tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật KKTCK với các dự án quy mô lớn, trọng điểm, tổng vốn ngân sách nhà nước bố trí gần 300 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 177,6 tỷ đồng. Đặc biệt, các công trình hạ tầng dân cư sau khi đầu tư hoàn thành, có thể bố trí dân vào sinh sống ổn định khoảng 450 hộ dân; tạo được quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư được khoảng 31ha.

Hiện nay, có 5 dự án đăng ký đầu tư (tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 124,76 tỷ đồng), trong đó có 3 dự án đang hoạt động, 2 dự án đang triển khai xây dựng. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa, chợ, bến xe. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cửa khẩu ổn định và phát triển so với trước đây, hàng hóa chủ yếu là lúa, xoài, cá,... góp phần giải quyết hơn 367 lao động địa phương.

Dự án Hạ tầng kỹ thuật KKTCK Đồng Tháp (giai đoạn 2), dự án thực hiện tại cửa khẩu phụ Thông Bình và Bình Phú với tổng số vốn gần 113 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 62 tỷ đồng. Các hạng mục công trình cơ bản hoàn thành như: san lấp cửa khẩu phụ Bình Phú; san lấp cửa khẩu phụ Thông Bình; đường giao thông nội bộ, đá vỉa, hệ thống thoát nước cửa khẩu phụ Bình Phú; xây dựng đường ra cửa khẩu; đường giao thông nội bộ; đá vỉa hệ thống thoát nước cửa khẩu phụ Thông Bình. Dự án sẽ tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng dự án chợ gia súc, giết mổ chế biến gia súc ở cửa khẩu Bình Phú, xây dựng hạ tầng dân cư để bố trí khoảng 85 hộ dân, tạo bến bãi tập kết hàng hóa ở biên giới, trung tâm thương mại cửa khẩu, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối khu vực biên giới với các đô thị lân cận.

Tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển khu vực biên giới theo Chỉ thị số 07 ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng kết nối, có sức lan tỏa với các vùng lân cận để tạo động lực phát triển cho cả khu vực biên giới; phát triển hệ thống đô thị theo lộ trình. Trong đó, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng KKTCK từ nay đến năm 2025, cụ thể hỗ trợ vốn thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật KKTCK Đồng Tháp (giai đoạn 3) tại 5 cửa khẩu: Dinh Bà, Thường Phước, Bình Phú, Thông Bình và Mộc Rá (dự kiến đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng khoảng 150 tỷ đồng). Đồng thời bổ sung khoảng 50 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành 2 dự án Bố trí ổn định dân cư Giồng Dúi - Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự và dự án Bố trí ổn định dân cư Dinh Bà, huyện Tân Hồng.

Việc đầu tư hạ tầng cho KKTCK đã góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, giao dịch hàng hóa, thương mại, dịch vụ giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia ngày càng sôi động, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng theo thời gian, tạo việc làm đáng kể cho dân cư biên giới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở các xã biên giới. Dần hình thành các đô thị cửa khẩu Thường Phước, Dinh Bà. An ninh chính trị ở khu vực biên giới ổn định, hệ thống hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh đã góp phần đáng kể phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, phòng, chống dịch bệnh.

Những năm qua, kinh tế khu vực biên giới của tỉnh đã có bước phát triển khá, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 4,7%/năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu biên mậu tăng 12%/năm, vượt so với mục tiêu mà Đề án đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực biên giới được nâng lên, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt khoảng 44 triệu đồng/người/năm; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, nhiều xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...