Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) được tổ chức Đường sắt Quốc tế (UIC) định nghĩa là các tuyến mới thiết kế với tốc độ từ 250 km/h trở lên; tuyến nâng cấp với tốc độ từ 200 km/h đến 220 km/h.
Hàng loạt tín hiệu của 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc
Dù chưa có mốc khởi công cụ thể, nhưng cả ba dự án trong thời gian qua được nhắc đến nhiều lần và là chủ đề được đưa ra bàn bạc trong nhiều cuộc gặp, hội kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Gần đây nhất là vào ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc nhân chuỗi sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,0 tỷ USD - Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất và đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).
"Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí, công nghiệp chế tạo... và cả những lĩnh vực năng lượng mới. Vì vậy, rất mong Bộ trưởng Kim Tráng Long quan tâm, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên", TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Tàu liên vận quốc tế xuất phát ga Lào Cai sang Trung Quốc - Ảnh: Báo Giao thông
Còn trong tháng 8, tại chuyến thăm Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết 14 văn kiện giữa các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương trong đó có hợp tác về đường sắt.
Cụ thể, 2 bên đã ký Giấy chứng nhận bàn giao hồ sơ kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cũng thời gian này, Chính phủ đã ra quyết định sẽ hỗ trợ 4 tỷ đồng để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra trước đó. Quyết định có nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp không sử dụng hết số vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 được bổ sung, kiến nghị hủy dự toán, giảm bội chi.
Cách đây hơn 3 tháng, hồi cuối tháng 6, tại hội nghị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị sớm triển khai 3 dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn gồm tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, tuyến đường sắt Lạng Sơn-Hà Nội và tuyến Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Trong đó ông nhấn mạnh đặc biệt, trước mắt triển khai nhanh tuyến Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 380km, dự kiến quy mô khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11,6 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chiều dài khoảng 156km, dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,0 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, chiều dài khoảng 187km, dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7,0 tỷ USD.